TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP

Robot công nghiệp là gì? Ứng dụng của Robot công nghiệp trong lắp ráp, sản xuất WIKI

Robot công nghiệp đang được ứng dụng ngày càng phổ biến trong các lĩnh vực sản xuất như F&B, logistics, cơ khí chế tạo, điện tử, ô tô,… Sự tham gia của robot công nghiệp vào các quy trình sản xuất đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Vậy Robot công nghiệp là gì và nó đã đem lại những lợi ích nào trong hoạt động sản xuất, đời sống, cùng Trang Công Nghệ tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

1. Robot công nghiệp là gì?

Robot công nghiệp là thiết bị được lập trình sẵn để có thể tự động làm việc, di chuyển. Chúng làm việc dựa trên cơ chế 2 hoặc nhiều trục liên kết với nhau và ứng dụng rộng rãi trong dây chuyền sản xuất công nghiệp.

Nhà máy ô tô VinFast được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, mức độ tự động hóa cao

Hiện nay, robot công nghiệp ngày càng được cải tiến, phát triển để có thể nâng cao năng suất làm việc và thay thế con người thực hiện các công việc vất vả và trong điều kiện khắc nghiệt.

2. Ưu và nhược điểm của robot công nghiệp?

2.1. Ưu điểm

Không phải ngẫu nhiên, robot công nghiệp lại phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường đang phát triển như châu Á đến vậy. Dưới đây là một số ưu điểm nổi bật của robot công nghiệp:

Đảm bảo chất lượng tốt hơn và đồng đều hơn

Cùng với các công nghệ khác – ví dụ như Internet vạn vật công nghiệp (IoT), trí tuệ nhân tạo, hoặc robot in 3D, robot công nghiệp có thể tham gia hỗ trợ một số quy trình trong sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt đồng đều hơn với thao tác chính xác, đáng tin cậy.

Nâng cao năng suất

Rõ ràng, khả năng làm việc của robot bền bỉ hơn sức lao động của con người, thậm chí liên tục 24 giờ 1 ngày và cả 7 ngày trong tuần. 

Vì vậy, khi phải hoàn thành nhiều đơn hàng cùng lúc hay mở rộng quy mô, robot có thể làm việc liên tục theo sự lập trình sẵn có của con người để đảm bảo tiến độ công việc, nâng cao năng lực sản xuất, hạn chế gián đoạn trong quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra.

Cải thiện môi trường làm việc

Robot công nghiệp có thể thay thế con người thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, đặc biệt đối với những công việc nặng nhọc hay trong môi trường nguy hiểm. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân công và tuân thủ các quy tắc về an toàn lao động trong nhà máy.

Bên cạnh đó, người giám sát có thể vận hành robot công nghiệp từ xa, thuận tiện điều hành quản lý.

Giải quyết vấn đề thiếu nhân công

Robot công nghiệp giải quyết tốt bài toán thiếu nhân lực về cả số lượng và chất lượng trong nhiều lĩnh vực. Các đơn vị sản xuất sẽ không còn phải đau đầu trong việc tuyển dụng nhân viên mới hay mất nhiều thời gian để thực hiện lộ trình đào tạo cho nhân công như trước đây.

Robot có thể xử lý công việc cần kỹ năng khéo léo

Giảm chi phí lao động trực tiếp

Nếu xét về lâu dài, chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra cho một công nhân có khả năng đa nhiệm, thực hiện được nhiều công việc sản xuất thường đắt đỏ hơn cả dùng robot công nghiệp. Điều này có nghĩa là sử dụng robot là một trong những giải pháp hiệu quả giảm thiểu chi phí lao động trực tiếp, giải phóng công nhân để các kỹ năng và chuyên môn của họ được tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh khác như lập trình, kỹ thuật và bảo trì.

Thúc đẩy sản xuất và phát triển nhiều ngành công nghiệp

Một số ý kiến cho rằng robot công nghiệp đang “cướp” đi việc làm của nhiều công nhân nhưng điều đó không thực sự chính xác. Robot công nghiệp không thay thế hoàn toàn con người. Chúng được tích hợp vào một số hoạt động, vận hành dưới sự giám sát, kiểm soát của con người, giúp phân bổ nguồn lực tối ưu và thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó tạo ra nhiều ngành nghề và việc làm mới.

2.2. Nhược điểm

Mặc dù hội tụ nhiều ưu điểm tuy nhiên robot công nghiệp khiến vẫn tồn tại một số nhược điểm khiến nhiều người còn đắn đo khi lựa chọn và đưa ra quyết định sử dụng. Cụ thể:

Nguy cơ mất ninh an toàn hệ thống

Vì vận hành theo cơ chế tự động, hệ thống được lập trình, điều khiển bằng máy tính nên nguy cơ bị tấn công xâm nhập rất cao. Khi hệ thống bị tấn công, mà doanh nghiệp không có biện pháp xử lý khắc phục nhanh chóng, sản xuất sẽ bị đình trệ và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.

Khó vận hành, chi phí bảo dưỡng cao

Để vận hành hiệu quả robot công nghiệp đòi hỏi bạn phải trải qua đào tạo và có những hiểu biết nhất định về thiết bị hiện đại này. Hơn nữa, robot công nghiệp là tổ hợp máy phức tạp nên chi phí để bảo dưỡng tương đối cao.

Chi phí đầu vào cao

Việc ứng dụng robot tự động trong các nhà máy, dây chuyền đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất cao. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần bỏ ra chi phí cho việc đào tạo nhân công vận hành các loại thiết bị, máy móc.

3. Ứng dụng của Robot trong sản xuất, công nghiệp

3.1. Công nghiệp sản xuất ô tô

Công nghiệp ô tô là một trong những ngành tiên phong thực hiện giải pháp tự động hóa quá trình sản xuất thông minh. Sự xuất hiện của robot công nghiệp sản xuất ô tô đã và đang thúc đẩy những chuyển biến mới tích cực trong toàn ngành. Robot được ứng dụng trong hầu hết các giai đoạn sản xuất từ xử lý vật liệu, gắp thả, sơn, hàn, đánh bóng, tải máy đến bước kiểm tra, lắp ráp của hệ thống truyền động, thiết bị điện tử hay nội thất.

Ngoài ra, robot còn có thể trang bị thêm hệ thống machine vision (thị giác máy) và hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) cho phép đáp ứng đa dạng yêu cầu và đúng thời điểm trong hệ thống sản xuất.

3.2. Công nghiệp thực phẩm

Ngành công nghiệp thực phẩm có yêu cầu đặc thù vệ sinh an toàn thực phẩm, đòi hỏi các nhà máy sản xuất phải đặc biệt sạch sẽ và vô khuẩn. Chính vì vậy, việc hạn chế tối đa sự hiện diện của con người trong nhà máy là cực kỳ cần thiết. Để giải quyết bài toán đó, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng triệt để các dây chuyền tự động hóa khép kín và cánh tay robot vào thực tiễn sản xuất.

Ứng dụng robot công nghiệp trong các quy trình sản xuất thực phẩm từ chế biến, phân loại, xử lý, xếp, chọn và đóng gói thực phẩm đã góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất, sản lượng, giảm chi phí và cải thiện môi trường làm việc an toàn.

3.3. Công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử

Ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đòi hỏi độ chính xác cao trong việc xác định vị trí, lắp ráp và đặt các bộ phận. Đồng thời, các thao tác cần xử lý nhẹ nhàng, cẩn thận để tránh các vết nứt nhỏ hoặc các hư hỏng vật lý tiềm ẩn khác đối với sản phẩm.

Chính vì vậy, việc tham gia của robot công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điện tử là điều tất yếu không thể tách rời. Sử dụng robot công nghiệp trong các quy trình sản xuất thiết bị điện tử và chất bán dẫn như chế tạo linh kiện, lắp ráp các thành phần, kiểm tra, thử nghiệm, đóng gói,… đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp, giải quyết tháo gỡ vấn đề thiếu hụt lao động, giúp tăng năng suất và đảm bảo chất lượng ổn định, đồng đều.

3.4. Công nghiệp Logistics

Ngày nay, robot công nghiệp cũng như trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng vào lĩnh vực công nghiệp logistics để quản lý kho hàng an toàn hơn và kiểm soát tốt hơn.

Do sự phức tạp của quy trình chuỗi cung ứng, robot sẽ ngày càng phát triển nhằm hỗ trợ nhiều hơn trong các quy trình như đặt hàng, vận chuyển, lưu kho, đóng gói, giao hàng, kiểm kê,…

Sự tham gia của hệ thống robot công nghiệp trong lĩnh vực logistics giúp các bên giao nhận, trung gian vận chuyển hợp lý hóa các quy trình, tăng cường độ chính xác, gia tăng tốc độ luân chuyển, giảm thiểu chi phí và đảm nhận tất cả các công việc nặng nhọc để nhân viên có thể tập trung vào các công việc sản xuất khác.

3.5. Công nghiệp sản xuất dược phẩm

Vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp dược phẩm đã có nhiều bước chuyển mình, nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Nhu cầu dược phẩm tăng lên nhanh chóng buộc các nhà máy sản xuất phải điều chỉnh dây chuyền của mình để kịp thời đáp ứng nguồn cung cho thị trường.

Robot với độ chính xác cao giúp giảm sai sót không đáng có của con người

Chính vì vậy, robot công nghiệp là một trong những thành tựu khoa học kỹ thuật hàng đầu được phần đa công ty dược phẩm sử dụng trong quy trình sản xuất của mình để gia tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường làm việc an toàn hơn và tiết kiệm chi phí vận hành.

Các robot công nghiệp đang được ứng dụng hiệu quả trong các quy trình sản xuất dược phẩm như: pha chế, đóng gói, phân loại, kiểm tra giám sát, đóng nắp chai thuốc,….

4. Tổng kết

Tại Việt Nam, thị trường robot chưa thực sự rộng mở do trở ngại về vốn đầu tư và thiếu hụt nhân công có trình độ cao. Hầu hết các dây chuyền sản xuất trong các nhà máy vẫn đang sử dụng các loại máy móc công nghệ cũ hoặc mới chỉ áp dụng tự động hóa trong một số dây chuyền nhất định.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự mạnh dạn và nỗ lực của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam trong việc dịch chuyển dần sang tự động hóa thay cho hoạt động sản xuất chủ yếu thủ công trước đây. 

TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Hình ảnh SonNT

SonNT

Creative at Genisys Media

Xem gì ?

Bạn quan tâm