TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP

Xe điện đã phát triển thế nào sau hơn 100 năm?

Trước khả năng có thể khan hiếm nguồn nhiên liệu hóa thạch trong tương lai và ô nhiễm môi trường diễn ra trên toàn cầu, năng lượng “xanh” đang dần trở thành xu hướng được cả thế giới quan tâm. Một trong những mục tiêu của nỗ lực giảm thiểu khí phát thải ra môi trường chính là sử dụng phương tiện chạy điện (EV).

Lịch sử hình thành và phát triển của xe điện

Một loạt các bước đột phá từ pin tới động cơ điện vào những năm 1800 đã dẫn đến chiếc xe điện đầu tiên trên thế giới, tuy nhiên rất khó để xác định được ai là người phát minh ra ô tô điện. 

Vào đầu thế kỷ 18, các nhà đổi mới ở Hungary, Hà Lan và Hoa Kỳ bắt đầu có khái niệm về xe chạy bằng pin và tạo ra một số ô tô điện quy mô nhỏ đầu tiên. Robert Anderson, một nhà phát minh người Anh, cũng đã phát triển chiếc xe điện thô sơ đầu tiên. Đến nửa sau của thế kỷ 19, các nhà phát minh người Pháp và người Anh cũng chế tạo được một số chiếc xe điện thực tế đầu tiên.

Tại Hoa Kỳ, chiếc ô tô điện thành công đầu tiên được ra mắt vào khoảng năm 1890 nhờ William Morrison, một nhà hóa học sống ở Des Moines. Chiếc xe chở sáu hành khách của anh ấy có khả năng đạt tốc độ tối đa 14 dặm một giờ (khoảng 23km/giờ). Tuy tốc độ này còn chậm, nhưng nó đã giúp khơi dậy sự quan tâm đến xe điện.

Năm 1899, Thomas Edison đã phát triển một loại pin trữ điện cho ô tô chạy 1000 dặm

Trong vài năm sau đó, xe điện từ các nhà sản xuất ô tô khác nhau bắt đầu xuất hiện khắp Hoa Kỳ. Thành phố New York thậm chí còn có một đội hơn 60 xe taxi điện. Năm 1900 được coi là thời hoàng kim của xe điện, chiếm khoảng 1/3 tổng số phương tiện lưu thông trên đường. 

Tuy nhiên, chiếc Model T được sản xuất hàng loạt của Henry Ford đã giáng một đòn mạnh vào ô tô điện. Được giới thiệu vào năm 1908, Model T đã làm cho ô tô chạy bằng xăng trở nên phổ biến rộng rãi với giá cả phải chăng. Năm 1912, giá thành của ô tô chạy bằng xăng chỉ bằng một nửa so với ô tô điện. Cùng năm đó, Charles Kettering đã giới thiệu bộ khởi động điện, loại bỏ sự cần thiết của tay quay và làm tăng doanh số bán xe chạy bằng xăng.

Đến những năm 1920, Hoa Kỳ có hệ thống đường sá tốt hơn, kết nối các thành phố và tăng nhu cầu đi lại khám phá của người Mỹ. Với việc phát hiện ra dầu thô ở Texas, khí đốt trở nên rẻ và sẵn có đối với người Mỹ ở nông thôn, các trạm đổ xăng bắt đầu mọc lên trên khắp đất nước. Vào thời điểm đó, rất ít người Mỹ vùng ngoại ô có điện để sử dụng. Cuối cùng, xe điện hoàn toàn biến mất vào năm 1935.

Trong khoảng 30 sau đó, xe điện bước vào thời kỳ đen tối với rất ít tiến bộ trong công nghệ. Xăng rẻ, dồi dào và sự cải tiến liên tục của động cơ đốt trong đã cản trở nhu cầu về các phương tiện sử dụng nhiên liệu thay thế.

Tuy nhiên, cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, giá dầu tăng vọt và tình trạng thiếu xăng dầu - lên đến đỉnh điểm với Lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập năm 1973.

Bên cạnh đó, nguồn phát thải quá lớn từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện chạy bằng xăng, ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường. Trong tình hình đó, xe điện được coi là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề. 

Sự phát triển của thị trường xe điện trong 10 năm, giai đoạn 2010-2021 (Nguồn: IEA)

Hiện nay, trên thị trường có 3 loại xe điện phổ biến, bao gồm:

  • Xe hybrid điện (HEV) là loại xe không có khả năng cắm điện nhưng có hệ thống truyền động điện và pin. Năng lượng được sử dụng lấy từ động cơ đốt trong và vẫn sử dụng xăng/dầu với lượng ít hơn xe chạy bằng xăng dầu truyền thống.
  • Xe điện hybrid cắm điện (PHEV) là phương tiện có thể sử dụng cả điện và xăng/dầu để hoạt động.
  • Xe chạy hoàn toàn bằng điện (thường được gọi là xe chạy bằng pin, xe điện, viết tắt là EV, BEV hoặc AEV) là phương tiện lấy năng lượng để lái hoàn toàn từ pin và phải cắm điện để sạc lại. 

Xu hướng phát triển xe điện

Toàn cầu

Doanh số các nhà sản xuất xe điện trên năm 2022 (Nguồn: MarkLines Co) 

Sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, doanh số bán xe điện toàn cầu năm 2022 tăng 66,6% so với năm 2021 lên mức 7,26 triệu xe, cho thấy quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang các phương tiện không phát thải để đáp ứng các quy định ngặt nghèo về khí thải.

Theo dữ liệu mới được công ty nghiên cứu MarkLines Co tại Tokyo (Nhật Bản), con số trên tương đương 9,5% tổng doanh số bán xe toàn cầu ở mức 76,21 triệu xe trong năm 2022, tăng từ mức 5,5% của năm 2021.

Các nhà sản xuất châu Âu và Trung Quốc đang thúc đẩy doanh số EV trong khi các nhà sản xuất Nhật Bản đang nỗ lực để bắt kịp các đối thủ toàn cầu. Nếu không tính doanh số xe điện, doanh số bán xe ô tô toàn cầu giảm 7,4% xuống mức 68,95 triệu chiếc.

Châu Âu

Nhìn chung, thị trường ô tô của Châu Âu đã giảm 22% vào năm 2020. Tuy nhiên, số lượng đăng ký ô tô điện mới đã tăng hơn gấp đôi lên 1,4 triệu, chiếm 10% doanh số bán hàng. Tại các thị trường lớn, Đức đã đăng ký 395 000 ô tô điện mới và Pháp đăng ký 185 000. Vương quốc Anh đã tăng gấp đôi số lượng đăng ký lên 176 000. Ô tô điện ở Na Uy đạt tỷ lệ bán hàng cao kỷ lục 75%, tăng khoảng 1/3 so với Năm 2019. Thị phần bán ô tô điện vượt 50% ở Iceland, 30% ở Thụy Điển và 25% ở Hà Lan.

Sự gia tăng số lượng đăng ký ô tô điện ở châu Âu bất chấp suy thoái kinh tế phản ánh hai chính sách. Đầu tiên, năm 2020 là năm mục tiêu đối với các tiêu chuẩn khí thải CO2 của Liên minh Châu Âu nhằm hạn chế lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trung bình trên mỗi km lái xe đối với ô tô mới. Thứ hai, nhiều chính phủ châu Âu đã tăng các chương trình trợ cấp cho xe điện như một phần của các gói kích thích nhằm chống lại tác động của đại dịch.

Năm 2020, ở các nước châu Âu, số lượng đăng ký BEV chiếm 54% số lượng đăng ký ô tô điện, tiếp tục vượt xa các loại xe điện hybrid cắm điện (PHEV). Tuy nhiên, mức đăng ký BEV đã tăng gấp đôi so với năm trước trong khi mức PHEV tăng gấp ba lần. Tỷ lệ BEV đặc biệt cao ở Hà Lan (82% tổng số xe điện đăng ký), Na Uy (73%), Vương quốc Anh (62%) và Pháp (60%).

Trung Quốc

6 tháng đầu năm 2023, xe điện Trung Quốc đã làm choáng váng các đối thủ phương Tây tại Triển lãm ôtô Thượng Hải về chất lượng, tính năng và giá cả. Sau đó, họ đã truất ngôi Nhật Bản thành nhà xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới vào quý I/2023.

Xe điện Trung Quốc có lợi thế về công nghệ trong khi giá thành thấp

Công thức chính sách gồm hỗ trợ, bảo hộ thị trường và tạo động lực cạnh tranh giúp xe điện Trung Quốc thắng ở sân nhà và tiến sang phương Tây. Năm 2009, Trung Quốc bắt đầu trợ cấp hào phóng cho người mua xe điện. Xe điện được chọn khi mua sắm công với taxi và xe buýt. Hạ tầng sạc được trợ cấp để xây dựng và chính quyền các tỉnh đã huy động vốn để khai thác và tinh chế lithium cho pin. Vào năm 2020, hãng xe điện NIO đã tránh được phá sản nhờ gói cứu trợ do chính phủ hậu thuẫn.

Theo dữ liệu từ MarkLines Co, tính theo thị phần, doanh số bán xe điện của Trung Quốc tăng khoảng 80% lên 4,53 triệu chiếc, trong khi các nước Tây Âu, trong đó có Đức và Anh, doanh số bán xe điện tăng khoảng 30% lên 1,53 triệu xe. Khoảng gần 800.000 xe điện được bán tại Mỹ trong năm 2022 và tại Nhật Bản là 50.000 xe.

Hoa Kỳ

Số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Motor Intelligence cho thấy trong năm 2022, doanh số bán xe điện của Mỹ đã tăng 66% so với năm 2021. Cụ thể, các nhà sản xuất ô tô đã bán được 807.180 xe chạy hoàn toàn bằng điện ở Mỹ trong năm 2022, tương đương 5,8% tổng số xe ô tô được bán ra (tăng từ 3,2% của năm 2021). Tổng doanh số bán ô tô của Mỹ trong năm 2022 đã giảm 8% so với cùng kì năm 2021.

Rivian là một "tay chơi" mới trên thị trường xe điện, khi người dùng phải chờ thời gian dài để nhận xe

Vào hồi tháng 8/2022, quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật giảm lạm phát, trong đó bao gồm 370 tỷ USD trợ cấp cho năng lượng xanh cũng như cắt giảm thuế đối với ô tô điện và pin điện do Mỹ sản xuất. Đạo luật này bao gồm khoản ưu đãi với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ trị giá 7.500 USD/chiếc. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ chuỗi cung ứng pin, cấp các khoản trợ cấp cho các công ty và người tiêu dùng để chuyển đổi sang công nghệ xanh và bảo vệ môi trường.

Tesla - nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới mới đây công bố chia sẻ công nghệ sạc NACS và trạm sạc của mình cho tất cả các đối thủ nhằm tham vọng đưa NACS thành tiêu chuẩn chung.

Các nước khác

Thị trường ô tô điện ở các quốc gia khác được phục hồi vào năm 2020. Ví dụ: ở Canada, thị trường ô tô mới đã giảm 21% trong khi số lượng đăng ký ô tô điện mới nhìn chung không thay đổi so với năm trước ở mức 51.000.

New Zealand là một ngoại lệ đáng chú ý. Đất nước này đã chứng kiến ​​sự sụt giảm 22% trong số lượng đăng ký ô tô điện mới vào năm 2020, phù hợp với mức giảm 21% của thị trường chung ô tô. Sự sụt giảm dường như phần lớn liên quan đến lượng xe điện đăng ký thấp đặc biệt vào tháng 4 năm 2020 khi New Zealand bị phong tỏa.

Một ngoại lệ khác là Nhật Bản, nơi tổng thị trường ô tô mới giảm 11% so với mức năm 2019 trong khi số lượng đăng ký ô tô điện giảm 25% vào năm 2020. Thị trường ô tô điện ở Nhật Bản đã giảm hàng năm kể từ năm 2017, khi nó đạt mức cao nhất là 54.000 lượt đăng ký và chiếm 1% thị phần bán hàng. Vào năm 2020, đã có 29.000 lượt đăng ký và chiếm 0,6% thị phần bán hàng.

Tại Đông Nam Á, doanh số xe điện được dự báo sẽ vượt sức tiêu thụ của ôtô chạy xăng vào năm 2035. Car News China cho biết các hãng sản xuất ôtô Trung Quốc như Neta, BYD, Wuling, Changan, Geely và Great Wall Motor đã và đang triển khai thành công hoạt động sản xuất và kinh doanh xe xanh tại thị trường Đông Nam Á.

Tại Việt Nam

Tại Việt Nam, VinFast đã sản xuất mẫu ô tô điện đầu tiên vào tháng 1/2021, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực ô tô điện Việt Nam. Vào tháng 12/2022, sau khi đã ổn định chuỗi cung ứng và hoàn thiện quy trình sản xuất, VinFast đưa ra thị trường 1548 xe VF e34 và 2730 xe VF8, gấp 7 lần tháng 11/2022. Để phục vụ cho khách hàng sử dụng xe điện, VinFast phát triển hệ thống trạm sạc trải dài khắp 63 tỉnh thành với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện. Các trạm sạc này được đặt tại bãi đậu xe, bến xe, trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu, trung tâm thương mại, chung cư, toàn nhà văn phòng, cao tốc, quốc lộ và các địa điểm phù hợp khác.

Mẫu SUV cỡ lớn Vinfast VF9 mới mở bán tại Việt Nam

Sau VinFast, Dat Bike, một startup nổi bật từ sau cuộc thi Shark Tank Việt Nam là đơn vị chuyên sản xuất dòng mô-tô điện với thiết kế mạnh mẽ, bụi bặm hơn. Dat Bike đã triển khai lắp đặt 5 điểm sạc tại TPHCM. Tuy nhiên, Dat Bike có tới 80 điểm sạc do chính khách hàng tự kết nối với các nhà dân, khách sạn, quán cà phê,.. để sạc xe. Một số trạm có cung cấp sẵn bộ sạc. Chi phí sạc điện cũng không cố định, phụ thuộc vào chủ từng địa điểm.

Xe điện Dat Bike với phong cách bụi bặm thu hút thế hệ khách hàng trẻ

Một gương mặt mới trên thị trường xe máy điện khác là Selex Motors. Thương hiệu này tập trung phát triển dòng xe máy điện dành riêng cho dịch vụ giao nhận. Với phân khúc đặc biệt đó, Selex Motors liên tiếp hợp tác cùng các thương hiệu lớn như Lazada, Grab, Baemin,…nhằm đưa xe điện vào dịch vụ giao hàng, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường. 

Xe điện Selex phát triển chuyên phục vụ trong lĩnh vực vận tải, giao hàng

Selex Motors tạp nên sự khác biệt ở chỗ bố trí các trạm đổi pin thay vì xây dựng trạm sạc. Đơn vị này hiện đã cung cấp được 51 điểm đổi pin với 24 điểm tại TP.HCM. Tại đây mỗi trạm, chủ xe có thể dễ dàng thay pin chỉ trong vòng 2 phút. Đây cũng là mô hình đổi pin dùng chung cho xe điện đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Công nghệ bản quyền cho phép pin của Selex tương thích và sử dụng được cho khoảng 70% xe máy điện hiện có trên thị trường. Nhờ vậy, khách hàng sử dụng xe điện của các hãng khác nhau vẫn có thể đổi pin tại các trạm đổi pin của Selex Motors.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam cũng mới chào đón thêm một sản phẩm mới là xe điện Evgo do Tập đoàn Sơn Hà sản xuất. Sơn Hà đã ký kết hợp tác với VinES – công ty sản xuất pin thuộc Vingroup để cung cấp mẫu pin phù hợp với thiết kế của dòng xe Evgo. Xe máy điện Evgo không xây trạm sạc riêng mà sẽ dùng chung với VinFast.

Định hướng tại Việt Nam

Sự thành công của xe điện tạo nên từ nhiều yếu tố, trong đó chính sách của nhà nước đóng vai trò chủ chốt. Ngày càng có nhiều quốc gia quyết tâm và cam kết loại bỏ dần động cơ đốt trong. Ví dụ: Chính phủ Thái Lan đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng xe điện thông qua các biện pháp ưu đãi, trong đó bao gồm các chương trình giảm thuế cùng các khoản trợ cấp cần thiết trong vòng ba năm. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng đồng bộ và công nghệ phát triển cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của xe điện. Vì thế, nhiều nước đang phát triển cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe điện.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển của xe điện và bắt kịp với những xu hướng chuyển dịch phương tiện của toàn cầu, Việt Nam cần có những biện pháp cụ thể, đáng kể đến như:

  • Áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho ô tô điện dựa trên lượng CO2 thải ra môi trường; 
  • Ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư với mục đích thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cho lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe mới, chưa được sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu;
  • Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy điện, thủy triều) để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc; 
  • Đầu tư xây dựng và mở rộng hệ thống trạm sạc rộng khắp với các công nghệ đồng bộ;
  • Có kế hoạch xây dựng hệ thống truyền tải điện trong trường hợp 100% các trạm thu phí xe điện đi vào hoạt động.

TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Hình ảnh SonNT

SonNT

Creative at Genisys Media

Từ khoá : ,,

Xem gì ?

Bạn quan tâm