TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP

Mua máy lọc nước tốt cho gia đình sử dụng nên chọn công nghệ nào?

Ngày nay, nhu cầu sử dụng nước sạch của người tiêu dùng đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn nước sạch toàn cầu đang ngày một khan hiếm do những hoạt động khai thác và sử dụng bất hợp lý.

Để giải quyết vấn đề thiếu nước sạch, nhiều hộ gia đình quyết định tìm kiếm những chiếc máy lọc nước. Tuy nhiên, làm thế nào để lựa chọn được một chiếc máy lọc nước cho gia đình phù hợp nhất? Có những loại công nghệ lọc nào trên thị trường hiện nay? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trước khi quyết định lựa chọn.

1. Các tiêu chí lựa chọn máy lọc nước gia đình

1.1. Nhu cầu sử dụng

Nhu cầu sử dụng là một trong những tiêu chí cơ bản nhất để lựa chọn một chiếc máy lọc nước gia đình. Mỗi loại máy lọc nước sẽ có công suất lọc khác nhau. Vì vậy, nên cân nhắc nhu cầu sử dụng nước của gia đình tương đương với công suất máy. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí mua mới, lắp đặt và dễ dàng lựa chọn vị trí lắp đặt.

Nếu mục đích sử dụng của gia đình bạn chỉ xoay quanh việc ăn uống, với số lượng thành viên vào khoảng từ 2-6 người, nên sắm cho mình một chiếc máy lọc nước có công suất lọc từ 15 lít/giờ. Nếu số lượng thành viên trong gia đình nhiều hơn, nên trang bị máy có công suất trên 15 lít/giờ.

Nếu mục đích sử dụng nước của gia đình bạn bao gồm cả việc giặt giũ, tắm gội,... hay kinh doanh, buôn bán, thì cần một lượng nước lớn hơn để duy trì các hoạt động thường ngày. Trong trường hợp này, bạn nên cân nhắc những chiếc máy lọc nước bán công nghiệp với công suất lọc lớn lên đến 30-50-80 lít/giờ để phục vụ tốt nhu cầu sử dụng.

1.2. Công nghệ lọc nước

Trên thị trường hiện nay khá đa dạng về các loại công nghệ lọc nhưng phổ biến nhất vẫn là công nghệ lọc RO, Nano và UF.

  • Công nghệ lọc nước RO: RO là công nghệ lọc nước thẩm thấu ngược và xuất hiện từ khá lâu nhưng đem lại hiệu quả lọc cao và triệt để. Công nghệ này phù hợp để lọc những nguồn nước mặn hoặc nước cứng và yêu cầu điện năng để hoạt động. Máy lọc nước sử dụng công nghệ này sẽ sản sinh ra khá nhiều nước thải trong quá trình vận hành.
  • Công nghệ lọc nước Nano: Màn lọc của công nghệ lọc nước Nano cũng có cấu tạo tương tự như RO, nhưng kích thước khá lớn giúp dễ dàng loại bỏ các loại vi rút, vi khuẩn nhưng sẽ giữ loại toàn bộ hàm lượng chất khoáng có trong nước. Tuy nhiên, dư lượng khoáng được giữ lại sau quá trình lọc sẽ bao gồm cả nguồn khoáng lợi và khoáng có hại, tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước của gia đình bạn. Vì vậy, việc lựa chọn nguồn nước đầu vào cho máy lọc Nano cần được cân nhắc kỹ càng, thường là nguồn đã qua xử lý như nước máy từ giếng khoan đã qua các bể lọc khoáng.
  • Công nghệ lọc nước UF: Công nghệ lọc nước UF sử dụng màng lọc UF để phân tách các chất ô nhiễm ra khỏi nguồn nước. Công nghệ lọc này khá tiện dụng bởi có thể lọc ở môi trường áp suất thấp và tiêu thụ ít điện năng, tạo ra ít nước thải, giúp người dùng tiết kiệm chi phí cũng như sử dụng 100% nguồn nước đã lọc. Tuy nhiên, máy không thích hợp để lọc các nguồn nước cứng bởi không loại bỏ được chất rắn hòa tan.

1.3. Đặc tính nguồn nước

Nguồn nước ở mỗi vùng miền sẽ có các đặc tính khác nhau. Vậy nên, bạn nên linh động khi lựa chọn máy lọc nước bởi không có loại máy nào phù hợp với tất cả các loại nguồn nước. Chất lượng nước đầu ra sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc lựa chọn máy lọc phù hợp với nguồn nước của gia đình bạn.

Nếu không lựa chọn loại máy phù hợp cho nguồn nước của gia đình sẽ dễ gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe như làm nước lọc có mùi hôi, nhiễm khuẩn, nhiễm phèn,... Đối với từng nguồn nước cụ thể, nên lưu ý một số đặc điểm sau:

  • Nước giếng khoan: Có khá ít loại máy lọc phù hợp với nguồn nước này, việc lọc trực tiếp nước giếng có thể gây ra hư tổn nặng nề cho lõi lọc, giảm tuổi thọ máy. Vì vậy, nên xử lý sơ bộ trước khi lọc nước giếng để đảm bảo chất lượng nguồn nước đầu ra cũng như độ bền của máy .
  • Nước máy: Nguồn nước này phù hợp với nhiều loại máy khác nhau nên khá thoải mái khi lựa chọn lõi lọc phù hợp (Nano và RO đều thích hợp).

1.4. Vị trí lắp đặt và không gian sống

Diện tích và không gian lắp đặt sẽ quyết định đến loại máy lọc nước mà bạn sẽ sử dụng. Hiện nay, với đa dạng các thiết kế từ tủ đứng, lắp âm, để bàn sẽ giúp người dùng thoải mái khi chọn lựa.

  • Đối với loại tủ đứng: Máy lọc nước tủ đứng khá được người dùng ưa chuộng bởi có thể lắp đặt ở nhiều không gia khác nhau như văn phòng, bệnh viện,... Thiết kế của dòng máy này khá hiện đại, dây dẫn và bộ lọc được bảo vệ trong tủ kính giúp tránh được sự phá hoại của côn trùng. Công suất lọc dao động trong khoảng 10-15 lít/giờ và dung tích bình chứa đạt 8-15 lít.
  • Đối với loại lắp âm: Máy lọc lắp âm gọn gàng, kín đáo thích hợp cho những không gian chật hẹp. Ngoài ra, người dùng có thể trực tiếp sử dụng nước từ vòi. Công suất lọc của máy khá cao khi có thể đạt từ 17-18 lít/giờ và dung tích bình chứa vào khoảng 8.5 lít.
  • Đối với loại để bàn: Máy lọc để bàn khá tiện lợi và có thể dễ dàng lắp đặt ở những không gian chật hẹp. Công suất lọc của máy đạt 10-15 lít/giờ và dung tích bình dao động 7-9 lít.

1.5. Nguồn gốc xuất xứ

Trên thị trường hiện nay xuất hiện không ít những loại máy làm giả những nhãn hiệu nổi tiếng. Vì vậy khi tìm mua sản phẩm máy lọc nước, bạn nên lựa chọn những sản phẩm được sản xuất dưới dây chuyền tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản,... ở những cơ sở, đại lý phân phối uy tín và được cấp phép kinh doanh chính hãng.

2. So sánh các công nghệ lọc nước hiện nay

2.1. Công nghệ lọc RO

Cơ chế hoạt động:

Công nghệ RO sử dụng màng lọc RO (Reverse Osmosis), ra đời vào thế kỷ 20, hoạt động nhờ vào cơ chế thẩm thấu ngược. Khi màng bán thấm tách hai dung dịch muối với nồng độ khác nhau, nước sẽ di chuyển từ dung dịch có nồng độ muối yếu hơn sang dung dịch mạnh hơn, nó sẽ cho phép nước đi qua và giữ lại lưu lượng muối.

Công nghệ này sử dụng áp lực để đảo ngược dòng chảy tự nhiên của nước, buộc nồng độ nước yếu đi. Qua đó, các chất ô nhiễm được giữ lại còn nước tinh khiết dễ dàng di qua màng lọc.

  • Kích thước khe lọc: Khe lọc của công nghệ lọc RO chỉ dao động từ khoảng 0,001-0,005 µm.
  • Hiệu quả lọc nước: Công nghệ RO có thể loại bỏ toàn bộ những chất có trong nước, kể cả muối khoáng, khiến nguồn nước đầu ra hoàn toàn tinh khiết.
  • Nguồn nước đầu vào: Có khả năng lọc được hầu hết mọi loại nguồn nước, từ nước máy, nước giếng đến nước sông, nước phèn.
  • Nguồn cấp năng lượng: Máy lọc nước RO sử dụng nguồn điện để duy trì hoạt động.
  • Tỉ lệ nước thải: Tỉ lệ nước thải của máy lọc nước RO khá cao, lên đến 70% lượng nước tái chế không sử dụng trực tiếp được.

2.2. Công nghệ lọc Nano

  • Cơ chế hoạt động: Công nghệ lọc nước Nano sử dụng các màng kim loại mỏng nhẹ hoặc màng polyme để loại bỏ tạp chất mà vẫn giữ lại lưu lượng khoáng.
  • Kích thước khe lọc: Dao động từ 0.01-0.1µm.
  • Hiệu quả lọc nước: Loại bỏ hầu hết các chất hữu cơ, các loại vi-rút và các ion hóa trị hại.
  • Nguồn nước đầu vào: Thường là nước máy hoặc nước đã qua xử lý.
  • Nguồn năng lượng: Máy lọc nước Nano không cần sử dụng điện để vận hành.
  • Tỉ lệ nước thải: Tỉ lệ nước thải sau khi lọc thấp, gần như bằng 0.

2.3. Công nghệ siêu lọc UF

  • Cơ chế hoạt động:Công nghệ này sử dụng màng siêu lọc sợi rỗng thẩm thấu, với hàng nghìn ống siêu nhỏ được tích hợp trong mỗi bộ lọc hỗ trợ tăng lưu lượng nước lên nhiều lần. Áp lực nước sẽ đưa nước từ bên ngoài và xuyên qua màng lọc, đồng thời giữ lại cặn bẩn trên sợi lọc.
  • Kích thước khe lọc: Dao động từ 0.1-0.5 µm.
  • Hiệu quả lọc nước: Loại bỏ được hầu hết và vi trùng trong nước tuy nhiên không loại bỏ được chất rắn hòa tan.
  • Nguồn nước đầu vào: Nước đã qua xử lý, nguồn nước có hàm lượng muối, chất rắn thấp.
  • Nguồn năng lượng: Máy lọc nước UF không cần sử dụng điện để vận hành.
  • Tỉ lệ nước thải: Tỉ lệ nước thải khá thấp, chỉ dao động khoảng 5%.

2.4. Công nghệ lọc UV

  • Cơ chế hoạt động: Máy lọc nước UV sử dụng tia cực tím để tiêu diệt trực tiếp vi khuẩn và vi-rút có hại mà không cần phải thông qua màng lọc.
  • Kích thước khe lọc: Không sử dụng khe lọc.
  • Hiệu quả lọc nước: Tiêu diệt được hầu hết các loại vi-rút, vi khuẩn, vi sinh vật trong nước,.. nhưng không loại bỏ được tạp chất.
  • Nguồn nước đầu vào: Nước đã được lọc qua các bộ lọc khác.
  • Nguồn năng lượng: Máy lọc nước UV sử dụng điện để vận hành.
  • Tỉ lệ nước thải: Không sinh ra nước thải sau quá trình lọc.

3. Tạm kết

Phân khúc máy lọc nước trên thị trường đang ngày càng đa dạng về cả mẫu mã lẫn giá thành. Vì vậy, với một số gợi ý kể trên, hy vọng người tiêu dùng có thể dễ dàng hơn khi lựa chọn một sản phẩm ưng ý phục vụ bản thân và gia đình.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham khảo một số bài viết hữu ích khác trên Trang Công Nghệ để lựa chọn những sản phẩm công nghệ uy tín và chất lượng.

TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Hình ảnh SonNT

SonNT

Creative at Genisys Media

Xem gì ?

Bạn quan tâm