TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP

Nghe điện thoại mất tiền tỷ và cách nhận diện 5 hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay

Sử dụng hàng loạt chiêu thức công nghệ để lừa đảo các nạn nhân, nhiều cảnh báo đã được gửi tới người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng cứ chiêu thức nào được phát hiện các đối tượng ngay lập tức đưa ra chiêu thức mới.

Công an TP.Đà Nẵng bắt giữ bị can mở tài khoản ngân hàng ảo tiếp tay cho tội phạm lừa đảo

Rất nhiều người đã bị chiếm đoạt tài sản, ít thì vài chục triệu, nhiều có thể lên đến hàng tỷ đồng. Lực lượng công an đã và đang đấu tranh không ngừng với loại tội phạm này. Dưới đây là một số hình thức lừa đảo kiểu mới hiện nay mà người dân cần lưu ý để phòng tránh.

Giả danh công an thực hiện lừa đảo qua điện thoại

Tội phạm giả danh Công an liên hệ cho người dân thông báo anh/chị có liên quan đến một vụ án hình sự, buôn bán ma túy hoặc tai nạn giao thông gây chết người. Chúng làm giả lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài sản. Thậm chí, tạo ứng dụng có giao diện trang chủ giống trang web của Bộ Công An hoặc đường link yêu cầu người bị hại nhập các thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền vào tài khoản khác để phục vụ điều tra, chứng minh mình trong sạch.

Do thủ đoạn hết sức tinh vi cộng với tâm lý hoang mang khi nhận được cuộc gọi từ Công an nên rất nhiều người đã tin tưởng và làm theo. Các số điện thoại lừa đảo có mã vùng nước ngoài, hoặc có mã vùng Việt Nam cũng không phải chính chủ. Tính đến nay, đã xác nhận hơn 100 nạn nhân ở khắp các tỉnh thành.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng cơ quan công an không bao giờ thông báo việc bắt giữ người hay khởi tố vụ án thông qua điện thoại. Đây là điều chắc chắn và đã được quy định trong pháp luật. Theo khai nhận của các đối tượng tại cơ quan công an, những người rất dễ sập bẫy kịch bản của các đối tượng lừa đảo thường thuộc nhóm những người sau đây: 

  • Phụ nữ, người già;
  • Những người cao tuổi đã nghỉ hưu;
  • Những người trong độ tuổi trung niên ít tiếp xúc thông tin trên mạng.

Lừa đổi sim điện thoại chiếm đoạt tiền trong tài khoản

Sim điện thoại của mỗi người, mỗi cá nhân được ví như chiếc chìa khóa để có thể đăng nhập vào các ứng dụng quan trọng như tài khoản ngân hàng hay ví điện tử. Chính bởi vậy mà tội phạm sử dụng công nghệ cao luôn dàn dựng các kịch bản lừa đảo để chiếm đoạt quyền sử dụng sim điện thoại nhằm dễ dàng lấy tiền từ tài khoản ngân hàng.

Một trong những chiêu thức lừa đảo tinh vi được các đối tượng sử dụng gần đây là giả danh nhân viên các nhà mạng viễn thông gọi điện nhắn tin và yêu cầu người dân chuyển đổi nâng cấp sim điện thoại lên mạng 4G/5G. 

Một kịch bản thường được sử dụng đó là các đối tượng sẽ gửi tin nhắn điện thoại thông báo sim điện thoại sẽ bị khóa sau 2h đồng hồ nữa nếu không nâng cấp sim lên 4G/5G. Tiếp đó một đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên nhà mạng đọc chính xác nhiều thông tin của chủ sim rồi yêu cầu nhắn tin theo hướng dẫn để nâng cấp sim. 

Sau khi thực hiện, điện thoại mất tín hiệu và nhận được thư điện tử thông báo mật khẩu tài khoản ngân hàng đã được thay đổi. Khi chủ sim đăng nhập vào tài khoản ngân hàng kiểm tra thì tiền trong tài khoản ngân hàng đã bị trừ, giá trị có thể lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. 

Đây không phải là hình thức lừa đảo mới nhưng vẫn nhiều người mắc lừa do chưa nhận thức được rủi ro công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Đây chính là sơ hở để các đối tượng tận dụng để lấy được lòng tin của các nạn nhân.

Theo khuyến nghị của cơ quan chức năng, khi gặp các trường hợp tương tự, người dân cần gọi đến tổng đài nhà mạng xác minh lại thông tin, thủ tục cụ thể. Người dân nên cảnh giác với 2 chiêu thức sau:

  • Dẫn dụ người dân nhắn tin theo cú pháp ***21*[SĐT]# gửi 901 để chuyển hướng cuộc gọi. Mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng sẽ được chuyển đến số điện thoại mà đối tượng lừa đảo cung cấp.
  • Hoặc DS [Số seri SIM] gửi 901 chuyển đổi số điện thoại sang phôi sim trắng, quyền sử dụng sim sẽ được chuyển sang sim khác chính là sim có số seri mà đối tượng lừa đảo đã gửi cho họ để yêu cầu thực hiện nhắn tin.

Với chiêu thức lừa đảo này, sim của đối tượng lừa đảo sẽ trở thành sim chính chủ. Tiếp đó, các đối tượng sẽ truy cập vào tài khoản ngân hàng, sử dụng tính năng quên mật khẩu, đề nghị cấp lại để nhận được mã OTP qua số điện thoại vừa chiếm quyền sử dụng nhằm chiếm đoạt tiền trong tài sản của nạn nhân.

Lừa nghe nhạc, xem video được tiền

Các đối tượng dụ dỗ người dân tham gia công việc chia sẻ, nghe nhạc trực tuyến với mỗi lần thực hiện như vậy được hưởng lợi từ 10.000 - 50.000 đồng. Khi người dân đã tin tưởng thì các đối tượng hướng bị hại lập các tài khoản tham gia cá cược. Khi người bị hại chuyển tiền vào thì các đối tượng cắt đứt liên lạc.

Lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến

Nhóm đối tượng lừa đảo kêu gọi người dân tham gia mở đại lý và đặt tiền cọc nhận sản phẩm về bán. Sau đó các đối tượng sẽ đóng giả người mua với số lượng lớn để dụ CTV sập bẫy, mua thêm nhiều sản phẩm. Khi nhận được tiền thì các đối tượng cắt hoàn toàn liên lạc. Các sản phẩm nhận về chủ yếu là hàng giả, hàng kém chất lượng nếu bán ra thị trường thì cũng bị vi phạm pháp luật.

Lừa tuyển cộng tác viên chốt đơn ảo

Sau khi nhận lời dụ dỗ của các đối tượng, Cộng tác viên sẽ được cấp mã đăng nhập vào các app, đường link mang tên nhiều sàn thương mại điện tử lớn. Hằng ngày, Cộng tác viên sẽ phải chuyển tiền để chốt đơn, giả vờ mua hàng để tăng lượt tương tác, lượt mua và uy tín cho các gian hàng. Gọi là giả vờ vì bạn không phải mua gì cả, số tiền ứng trước ấy sẽ được hoàn trả cùng với hoa hồng từ 10-30% giá trị đơn hàng. Đơn hàng càng lớn, đương nhiên, hoa hồng được hứa hẹn trả về sẽ càng nhiều, đánh đúng vào tâm lý của người đang cần việc.

Một công việc hết sức đơn giản, dễ thu lại lợi nhuận mà không tốn nhiều công sức, lại phù hợp với nhiều lứa tuổi, mọi ngành nghề. Cả quá trình lừa đảo diễn ra rất trơn tru, chuyên nghiệp. Thay vì gọi nạn nhân là cộng tác viên, thì những kẻ lừa đảo gọi họ là khách hàng. 

Làm thế nào để không sập bẫy chiêu trò lừa đảo kiểu mới

Tội phạm sử dụng công nghệ cao đang lợi dụng triệt để sơ hở, chủ quan cũng như sự nhẹ dạ cả tin của người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để không bị sập bẫy chiêu trò lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online cũng như nhiều chiêu trò lừa đảo khác trên không gian mạng, người dân cần đề cao cảnh giác, không được tùy tiện để lộ lọt thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân của mình, đồng thời chủ động chia sẻ, cảnh báo người thân hàng xóm về các phương thức thủ đoạn của tội phạm, trình báo công an khi phát hiện hoặc nghi vấn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tỉnh táo - cẩn trọng là những trạng thái mà người dùng phải luôn sẵn sàng khi giao tiếp trên mạng, qua điện thoại, hãy suy nghĩ kỹ trước khi chuyển tiền đi và nhớ rằng cuộc sống không bao giờ dễ dàng như những lời đường mật của các đối tượng

TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Hình ảnh SonNT

SonNT

Creative at Genisys Media

Xem gì ?

Bạn quan tâm